Nhân kỷ niệm 40 năm gắn bó với cây đàn nhị, ngày 1/12 vừa qua nghệ sỹ ưu tú Dương Thùy Anh đã chính thức giới thiệu tới công chúng yêu nhạc cụ truyền thống Album “Lắng” và MV “Băng qua cánh rừng” với vô vàn những xúc cảm lắng đọng trong thẳm sâu của mỗi con người.
Buổi họp báo ra mắt tác phẩm âm nhạc của nghệ sỹ ưu tú Dương Thùy Anh có sự tham gia của các nhiều gương mặt nghệ thuật gạo cội, gia đình, người thân, bạn bè và gần 30 đơn vị báo đài.
Chia sẻ tại sự kiện, NSUT Thùy Anh cho biết mình đã ấp ủ từ lâu cho Album và MV này để có thể giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp của cây đàn nhị, một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và ước muốn bảo tồn cũng như truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về tình yêu cho âm nhạc dân tộc mà Thùy Anh đã gắn bó 40 năm qua thông qua những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
“LẮNG” – ĐỂ CẢM NHẬN CUỘC SỐNG QUANH TA
“Lắng” là một album độc tấu Đàn Nhị dựa trên nền nhạc New Age & World Music, được hòa âm phối khí và sản xuất bởi nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Album được ra đời dựa trên ý tưởng hãy “LẮNG” để cảm nhận cuộc sống quanh ta với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và để “đọng” lại những điều đẹp đẽ nhất luôn tiềm ẩn trong sâu thẳm mỗi con người. Sáu tác phẩm trong album là một câu chuyện với nội dung xuyên suốt và gắn kết chặt chẽ.
Mở đầu là tác phẩm “Băng Qua Cánh Rừng”, với những âm thanh phong phú lúc réo rắt, lúc dồn dập, hòa cùng nhịp sống của muôn loài được đan xen bởi tiếng đàn tranh, đàn bầu và sáo trúc đã mang đến một cánh rừng với sự sinh tồn của vạn vật đầy màu sắc. Nó giống như dòng chảy của cuộc sống; lúc bình yên, lúc cấp tập, rượt đuổi như những khó khăn mà con người luôn phải vượt qua trong cuộc đời.
Một ngày mai với “Tia Nắng Đầu Tiên” được hiện ra tượng trưng cho sự bừng tỉnh của vạn vật đón chào một ngày mới. Đây chính là thời khắc chúng ta soi chiếu bản thân dưới anh nắng mặt trời một cách thành thật nhất. Âm thanh sâu lắng của tiếng đàn nhị miêu tả một sớm ban mai trong veo thực sự cảm động, chạm đến trái tim người nghe. Và khi ấy sự tỉnh thức của những khát khao, mong mỏi cho một ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay lại càng thôi thúc mạnh mẽ trong tiềm thức mỗi con người.
“Ngôi Chùa Trong Sương” hiện ra như một đích đến của sự hướng thiện mang màu sắc tâm linh rõ rệt. Những âm thanh lúc gần , lúc xa, mơ hồ như gọi mời những trái tim hướng thiện. Thùy Anh đã dẫn dụ người nghe nhẹ nhàng bước vào không gian của thiền định và để những “Lời Kinh Cầu” được cất lên chân thành nhất. Âm thanh da diết của cây Đàn Nhị được Thùy Anh diễn tả vô cùng khoan thai, nhẹ nhàng mà tinh tế. Những lời cầu nguyện cùng sự cộng hưởng bởi những âm thanh của thiên nhiên được cất lên vô cùng tha thiết, tự nhiên như hơi thở. Đến tác phẩm này, tiếng đàn của Thùy Anh đã đạt đến độ tinh tế khó diễn tả bằng lời. Nó đã biến tác phẩm này không chỉ là những lời cầu nguyện đơn thuần mà ở đây, sự giao thoa giữa những mong mỏi và thỏa hiệp được Thùy Anh nhịp nhàng đối thoại vô cùng tài tình. Sự biết người biết ta, cho và nhận được điều tiết chân thành.
Khi đã hiểu và biết rõ bản thân qua những trải nghiệm khác nhau của đời sống thì mơ ước về một “Ngôi Nhà Trên Thảo Nguyên” giữa thiên nhiên hùng vĩ dường như là một giấc mơ hữu hình. Sự bình yên khi được về nhà sau mỗi chuyến đi xa, được tư do ngay chính trong ngôi nhà của mình tưởng như đơn giản nhưng chỉ có ai đã qua những khó khăn mới có thể biết rằng nó chưa bao giờ là dễ dàng. Nhà là nơi dừng chân an toàn và ấm êm nhất. Nhà cũng chính là nơi khởi nguồn của nguồn năng lượng tích cực cho bản thân và lan tỏa đến cuộc sống xung quanh.
Và thế là “Vũ điệu bầy đom đóm” được cất lên với bao hạnh phúc bình dị chẳng cần tìm đâu xa. Nó chính là thành quả của hành trình ta đã đi bấy lâu. Một hành trình luôn hướng thiện có lúc hiện hữu mà cũng có lúc vô hình xa xôi trong tâm thức. Nguồn năng lượng từ vũ trụ bao la đã được trái tim thiện lành đón nhận nhẹ nhàng để cuộc đời mỗi ngày thêm đẹp đẽ và tràn đầy ý nghĩa.
Những sóng âm thanh khác nhau, tầng tầng lớp lớp được biến hóa trong “LẮNG” qua tiếng Đàn Nhị của Thùy Anh vô cùng sáng tạo. Một điểm nhấn thú vị và không kém quan trọng đó là sự góp giọng của nghệ sĩ Bảo Lan, thành viên nhóm 5 Dòng Kẻ ngày nào và cũng là bạn thân của Thùy Anh đã càng làm cho album “LẮNG” trở nên vô cùng bất ngờ đầy thán phục.
MV “BĂNG QUA CÁNH RỪNG” – LỐI CUỐN VỚI PHONG CÁCH BIỂU DIỄN ĐỘC ĐÁO
MV “Băng qua cánh rừng” được quay trong một khu rừng già nguyên sinh của vùng Tây Bắc Việt Nam. Đây là một thước phim âm nhạc ngắn, được Thuỳ Anh dẫn dắt bằng cây đàn nhị hai dây đã theo cô suốt 40 năm qua. Cô đã cùng ekip có những trải nghiệm thực tế. Họ đã cùng đạo diễn Hải Lê Cao thức dậy từ sáng sớm với hành trình đi bộ vượt rừng trong 8 tiếng liên tục, qua nhiều cung đường mịt mù, cheo leo hiểm trở, nhưng tất cả đã cùng nhau vượt qua thử thách để chọn được nơi xứng đáng cho bối cảnh quay của MV này.
Tiếng đàn và sự lôi cuốn trong cách trình diễn của Thùy Anh đã đạt tới sự chín muồi nhất của người nghệ sĩ với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng trong suốt 40 năm qua. Thùy Anh cũng một lần nữa phô diễn với khán giả phong cách biểu diễn “độc nhất vô nhị” mang đậm dấu ấn cá nhân của mình bấy lâu. Với kinh nghiệm trình diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ của Việt Nam và Thế Giới, có mặt trong nhiều sự kiện giao lưu văn hóa quan trọng và nổi bật của chính phủ ở nhiều Quốc Gia khác nhau, đặc biệt Thùy Anh luôn là một khuôn mặt không thể thiếu trong mọi Festival Huế cùng nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, đến MV này, Thùy Anh đã thỏa lòng mong ước của mình bấy lâu khi được thăng hoa giữa bao la của núi rừng đầy đam mê, khát khao và cống hiến.
Thùy Anh đã gửi gắm tình yêu, sự biết ơn của mình, lời tri ân chân thành nhất với cuộc đời này. Đặc biệt, với người Cha quá cố của mình, người đã dẫn dắt cô đến với Đàn Nhị, nghệ sĩ Đàn Nhị của nhà hát ca múa nhạc Việt Nam – Dương Chưởng. Đó còn là sự tận tâm hết lòng chỉ bảo của những người thầy đã luôn theo sát con đường học tập và sự nghiệp của Thùy Anh. Những bạn bè và đồng nghiệp tại nơi cô giảng dạy mà cô đã gắn bó bao năm nay. Lời tri ân sâu sắc của cô đến gia đình của mình, những người luôn đồng hành cùng cô trên bước đường nghệ thuật và cuộc sống. Những khán giả đã dành trọn tình yêu cho âm nhạc dân tộc nói chung và với cây Đàn Nhị nói riêng.
VÀI NÉT VỀ NGHỆ SĨ ƯU TÚ DƯƠNG THÙY ANH
* Năm sinh: 1977
* Nơi Sinh: Hà Nội trong một gia đình có cha là nghệ sĩ Đàn Nhị – Dương Chưởng (Nhà Hát Ca Múa Nhạc Việt Nam). Chị gái Nghệ Sĩ Violin (VNOB)/ Giảng Viên Violin Trường Quốc Tế Liên Hợp Quốc (Unis).
* Công việc hiện tại: Giảng viên đàn nhị, khoa Nhạc Cụ Truyền Thống trường CĐNT Hà Nội
* Thành viên nhóm nhạc Cỏ Lạ
* Học Vấn: Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Đàn Nhị
* Tốt nghiệp thạc sĩ Lý Luận Và Phương Pháp Dạy Học Âm Nhạc
* Danh Hiệu: Được nhà nước phong tặng Nghệ Sĩ Ưu tú năm 2019
* Giải thưởng:
– Giải nhì Độc Tấu Và Hòa Tấu Nhạc Cụ Dân Tộc năm 2008
– Huy chương vàng Liên Hoan Độc Tấu Và Hòa Tấu Nhạc Cụ Dân Tộc Toàn Quốc năm 2017
* Sản phẩm âm nhạc:
– Album độc tấu Đàn Nhị “ÔI ĐÀN CÒ” năm 2007
– Album độc tấu Đàn Nhị “LẮNG” và MV “BĂNG QUA CÁNH RỪNG” năm 2023
Thông tin thêm:
Link nhạc trên Spotify:
https://open.spotify.com/album/7vqGQT67VbgiF58j8sR6AH?si=cnQXPtheS9ynSQoc9AdtSw
Link MV “Băng qua cánh rừng”:
https://drive.google.com/drive/folders/1SLoofNjUZoSm6SGRiR20KV6lbViUK3RJ