Trên nền đen huyền ảo của những “Bản giao hưởng Đêm” của họa sĩ Đinh Quân là những mảng màu như những đám mây ngũ sắc hòa vào trong những nét vẽ nguệch ngoạc, ngoằn ngoèo, đứt gẫy nhảy múa trước mặt, tạo cho người xem những ảo giác. Trong ảo giác đó con người tự soi lại mình, tự cảm nhận mình, tự kết nối với chính bản thân để nhìn được rõ nhất những mối quan hệ, những lối ứng xử giữa người với người trong cuộc sống hiện thực.
Đến gặp Đinh Quân – một trong những họa sĩ tranh sơn mài “gạo cội” của làng hội họa Việt Nam, những tưởng sẽ được chiêm ngưỡng và đắm chìm vào trong thế giới tranh về những người phụ nữ Việt Nam gợi cảm, nhẹ nhàng và vô cùng lãng mạn đã làm nên danh tiếng cho người họa sĩ gốc Hải Phòng này, nhưng thật bất ngờ là anh lại đưa chúng tôi vào một thế giới khác biệt hoàn toàn, đầy tính trừu tượng và mê hoặc với những “Bản giao hưởng đêm”, những “Khúc giao mùa”, khiến người xem như bị thôi miên, bị cuốn hút vào trong một thế giới nội tâm huyền bí. Đinh Quân nói rằng đây chính là dòng tranh mà hiện anh đang theo đuổi, và cũng sẽ là con đường dài mà anh lựa chọn cho mình. “Với tôi nghệ thuật như một đức tin để cảm hóa. Những tác phẩm gần đây tôi mô phỏng cuộc sống của xã hội hiện tại như một sân khấu lớn, trên nền tranh sơn mài sâu thẳm trong veo như mặt gương đêm. Chất liệu sơn mài có khả năng làm được việc này. Công chúng xem tranh được tương tác và soi thấy hình ảnh của mình ở trong đó, và tự ám thị cùng những nét cong, thẳng, ngoằn ngoèo, hay gẫy khúc, tạo nên những tín hiệu, mang tính biểu trưng cho đời sống ứng xử của con người thường ngày. Những mảng màu như những đám mây ngũ sắc trôi nổi gây ảo giác, cho người xem có những liên tưởng của riêng mình sẽ làm gì để tốt đẹp hơn trong xã hội chúng ta đang sống. Tôi đã và đang thực hiện các tác phẩm bằng ý tưởng đó.”
Tranh sơn mài của anh có gì khác biệt so với những họa sĩ khác?
Khi mới ra trường và bước vào con đường hội họa, tôi nhận thấy tiêu chuẩn về sơn mài của các bậc tiền bối thường là phải phẳng, nhẵn, và bóng. Nhưng bản thân tôi thấy làm nghệ thuật mà phải tuân thủ theo các bước, theo những tiêu chuẩn và nguyên tắc như vậy sẽ làm kìm chế cảm xúc của người sáng tác. Mà hội họa thì phải là cả 1 sự tuôn trào, sự trực diện. Bởi vậy tôi làm ra một thứ không phẳng, không nhẵn, và cũng không bóng, nhưng khi cần thì vẫn có thể phẳng, nhẵn, và bóng được. Những cái đó chỉ là hình thức bên ngoài, còn đạt được yếu tố nghệ thuật bên trong mới là điều quan trọng! Sơn mài hay sơn dầu hay lụa chỉ là ngôn ngữ của chất liệu, cái quan trọng vẫn là giá trị nghệ thuật, là tư tưởng, và tình cảm gửi gắm vào trong những bức tranh, ru người xem vào một cõi nào mà người họa sĩ muốn, và thậm chí là ru người xem đến cái cõi nào mà bản thân họ muốn!
Những tác phẩm gần đây của anh mang tính trừu tượng rất cao. Tại sao anh lựa chọn theo đuổi dòng tranh này?
Với một bức tranh trừu tượng chúng ta thường nói là không thể hiểu nổi! Nhưng thực ra không cần phải hiểu bởi tính “trừu tượng” của hội họa lại chính là “hiện thực” trong tâm tưởng của người họa sĩ, và cũng là “hiện thực” trong tâm tưởng của cả người xem tranh. Người họa sĩ có thể vẽ những điều mà họ thích, vẽ những thứ trong tiềm thức của họ, nhưng người hoàn thiện bức tranh ấy không phải người họa sĩ mà lại chính là người xem, người thưởng thức tranh! Hội họa cũng giống như ngôn ngữ của văn chương – một bức họa hay là ý tại ngôn ngoại. Tức là lời có thể rất nhạt, nhưng ý thì rất đậm. Và thể hiện nó tốt đến đâu là thuộc về tài năng của người họa sĩ. Tôi muốn làm một họa sĩ có thể gợi mở được nhiều “hiện thực” nhất thông qua những nét vẽ “trừu tượng” của mình!.
Những yếu tố hiện thực nào ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật của anh nhiều nhất?
Không có gì ngoài đời sống và thiên nhiên. Tôi tìm cảm hứng từ những thứ xung quanh mình, đôi khi đó không cần phải là những hình ảnh cụ thể mà có thể là những hình ảnh mang tính biểu trưng hay tín hiệu.
Yếu tố nghệ thuật trong những tác phẩm gần đây của anh là gì?
Một trong những tác phẩm sơn mài gần đây tôi vẽ là “Bản giao hưởng đêm”. Để vẽ bức tranh này, tôi tận dụng mảng đen của vóc sơn mài bởi đó là một màu đen vô cùng huyền ảo, không có thứ gì đen hơn là sơn then của sơn mài cả! Bởi vậy cái nền đen của bức tranh trông giống như một tấm gương đêm. Trên nền đen huyền ảo đó là những mảng màu như những đám mây như ngũ sắc, cùng những nét vẽ nguệch ngoạc, ngoằn ngoèo, đứt gẫy nhảy múa trước mặt tạo cho người xem những ảo giác. Và trong ảo giác đó họ sẽ tự soi lại mình, tự cảm nhận và tự kết nối với chính bản thân mình. Những kết nối đó chính là tất cả những ứng xử, những mối quan hệ trong xã hội. Tốt, xấu, hay, dở, cao thượng, hay tiểu nhân,..đều nhìn thấy được rõ nhất trong tấm gương đêm của bức tranh đó. Đối với loại tranh này, người xem tranh phải xem một mình, xem đông người sẽ không thể cảm nhận được bởi nó đưa ta vào một cõi rất u uẩn, giống một góc “tự kỷ” của con người vậy!
Đời sống gia đình có tác động đến cảm xúc của người họa sĩ?
Vô cùng ảnh hưởng. Người họa sĩ vẽ tranh trừu tượng như tôi cũng chính là mang những tín hiệu từ trong đời sống của họ vào trong bức tranh ấy. Và những tín hiệu ấy có cho thấy sóng gió không? Đầy sóng gió. Cuộc đời mà tròn trịa quá thì chỉ giống như vẽ một cô gái đẹp thôi! Nhưng cũng có những bậc tài năng vẽ những cô gái nhìn rất đẹp, nhưng nếu nhìn thật kĩ sẽ thấy đó là một vẻ đẹp chứa đầy uẩn ức! Văn hóa người Phương Đông rất sâu sắc, đặc biệt khi bàn về chữ “Nhạt”. Nhạt ở hình nhưng đậm ở nội dung!
Những đối tượng sưu tầm tranh của anh là những ai? Anh ấn tượng với khách hàng nào nhất?
Người sưu tầm tranh của tôi có rất nhiều đối tượng, nước ngoài có, trong nước có. Trước đây thì chủ yếu là người nước ngoài, nhưng mấy năm gần đây người Việt Nam mua tranh của tôi nhiều hơn, nhiều người trong số họ là tầng lớp trí thức mới. Tôi nhớ nhất và ấn tượng nhất với một cậu nhà báo nghèo. Cậu ấy yêu thích tranh của tôi nhưng không dư dả nên đã ngỏ ý….mua trả góp bằng số tiền lương hàng tháng! Đó là một nhà sưu tầm tranh mà tôi cho là “xịn” nhất vì họ đã hy sinh thực sự cho niềm đam mê của mình.
Anh có quan tâm đến giới họa sĩ trẻ và có thể giúp họ định hướng nghề không?
Bản thân tôi có quen biết với một số họa sĩ trẻ của Việt Nam và nhận thấy họ là những người thực sự cháy hết mình vì nghệ thuật. Tuy nhiên để định hướng nghề nghiệp thì tôi không thể giúp gì được. Bởi người họa sĩ từ khi bắt đầu cầm bút vẽ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, thì họ công bằng như nhau, sòng phẳng như nhau, bình đẳng như nhau. Không ai khuyên ai được điều gì cả. Bởi mỗi người nghệ sĩ là một cái tôi riêng, và đó là cái tôi bản lĩnh. Sự khác biệt sẽ tạo nên những tác phẩm mang chất riêng của mỗi người nghệ sĩ.
Những yếu tố nào giúp anh thành công hôm nay?
Có một câu nói rằng “Thiên tài chỉ có 1% là cảm hứng, còn lại 99% là mồ hôi”. Không có gì tự dưng thành nếu mình không chăm chỉ, không đam mê, không cháy hết mình. Tài năng mà không có đam mê không làm được gì. Có đam mê sẽ tạo nên rất nhiều thứ. Sự bảo thủ cũng tạo nên nhiều thứ. Và bảo thủ tạo nên sự khác biệt. Người ta thường hay nói là cùng dắt tay nhau tiến lên phía trước, nhưng riêng trong nghệ thuật thì cần tôn trọng sự khác biệt, và tính cá nhân rất quan trọng.
Đã bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ “gác bút” bỏ nghề chưa?
Chưa bao giờ. Kể cả nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn mình là một họa sĩ. Bởi cái điều thành công nhất trong cuộc đời tôi là có niềm đam mê lớn đối với nghề này.
Là một người cũng bắt đầu chơi golf, anh thấy một họa sỹ chơi golf thì có gì khác so với một người bình thường?
Golf là một môn thể thao đặc biệt, đòi hỏi người chơi phải tự chinh phục mình. Có lẽ vì là một người làm nghệ thuật nên kể cả chơi golf tôi cũng chỉ quan tâm đến thẩm mỹ, không quan trọng thành tích, số gậy. Tôi muốn có những cú phát bóng thật đẹp, thật bay bổng, dù phải luyện tập swing bao nhiêu lần hay mất bao nhiêu bóng! Giữa hội họa và golf cũng có điểm tương đồng với nhau. Đó là sự giống nhau về tính chinh phục, mà cụ thể đó là chinh phục cái đẹp!