Kịch bản có chiều sâu, dàn diễn viên tài năng, sân khấu được đầu tư công phu về âm thanh, ánh sáng, “Búp bê” – đứa con tinh thần tiếp theo của đạo diễn kiêm diễn viên gạo cội Trần Lực đã mang đến cho giới yêu nghệ thuật kịch đương đại nói chung và giới trẻ Hà thành nói riêng nhiều thông điệp sâu sắc.
Là loại hình nghệ thuật còn mới ở Việt Nam, kịch thể nghiệm chủ yếu dùng ngôn ngữ hình thế, những động tác vũ đạo mang tính ước lệ cao của nghệ thuật Tuồng kết hợp với múa đương đại, nghệ thuật ánh sáng, âm nhạc để lột tả cốt truyện và tính cách nhân vật.
Nó giống như một sự thay đổi trong đời sống kịch hiện nay, bởi kịch Thể nghiệm không phải kịch nói, không phải nhạc kịch, cũng không phải vũ kịch mà kết hợp nhiều thể loại kịch trước đó, do đó nó đòi đạo diễn, biên kịch và diễn viên những yêu cầu thể hiện rất cao để có thể thành công và được ghi nhận từ khán giả.
Và vở kịch “Búp bê” cũng không ngoại lệ. Sức hút đầu tiên của vở kịch chính là sự bắt tay hợp tác của hai đạo diễn và kịch bản gia có cá tính mạnh mẽ Lê Hoàng và Trần Lực. Điều này đã khiến cho “Búp bê” trở thành một sản phẩm nghệ thuật đương đại thu hút quan tâm của công chúng.
Thứ hai, thời gian thai nghén “Búp bê” không hề ngắn khi phải mất đến hơn 5 tháng tập luyện không chỉ diễn xuất mà còn cả vũ đạo, xiệc, cùng vô vàn kỹ năng sân khấu khó nhằn, cuối cùng tác phẩm mới được công chiếu chính thức cho khán giả.
Và đúng là sự chờ đợi đó đã được bù đắp bằng 2 đêm diễn bùng nổ sân khấu kịch Hồng Hà khi những người yêu nghệ thuật đến đây đã được mãn nhãn với màn trình diễn tuyệt vời của âm thành, ánh sáng, vũ đạo hình thể cùng sân khấu tối giản nhưng lại gây được hiệu ứng chiều sâu cho mọi giác quan.
Tiếp tục dàn dựng theo lối kể chuyện Ước lệ – Biển hiện vốn đã làm nên thương hiệu Kịch Lucteam qua một số tác phẩm trước đây như “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Antigone”…, “Búp bê” mang đến một cho người xem cơ hội trải nghiệm không gian nghệ thuật mới mẻ và hoàn toàn khác lạ.
Lấy cảm hứng từ một chủ đề không thể nóng hổi hơn khi những phần mềm trí tuệ nhân tạo như Chat GPT, Midjourney… xuất hiện với kỹ năng sáng tạo, tra cứu và tổng hợp thông tin xuất sắc, đã gây nên cơn chấn động trên toàn thế giới. Lúc này rất nhiều nhà xã hội học đã cùng quan ngại rằng liệu thế giới hậu trí tuệ nhân tạo AI sẽ ra sao hay khi “trí tuệ nhân tạo” phá vỡ ranh giới thực ảo để xâm nhập thế giới con người thì cuộc sống sẽ thế nào?
Liệu chăng có tình yêu đích thực, liệu những cám dỗ tiền bạc, những khao khát dục vọng, những mong muốn được sống thật với bản năng và giới tính sẽ có kết thúc ra sao trong bối cảnh hỗn mang đó? Mặc dù cốt truyện đơn giản chỉ xoay quanh 4 nhân vật: người hầu phòng, cô gái trẻ, bà mối và ông Việt kiều nhưng nó lại có thể khiến khán giả không rời mắt suốt 70 phút trình chiếu bởi người xem đã được đạo diễn dẫn dắt đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với lời thoại hài hước xen lẫn sự thâm túy, sâu xa. Cuối cùng là một cái kết mở khi tất cả các nhân vật muốn tồn tại đều phải biến thành những “búp bê AI” nhân bản.
Có thể rất nhiều người xem sẽ thắc mắc tại sao lại là “búp bê” mà không phải một danh từ nào khác? Rốt cuộc búp bê và con người, ai mới “sống động” hơn? Có lẽ câu trả lời thực sự đã có cho mỗi khán giả qua 2 đêm công chiếu. Đó cũng chính là thông điệp ngầm mà Lucteam ấp ủ truyển tải tới khán giả, để tự bản thân mỗi người có những chiêm nghiệm của riêng mình…
Show diễn tiếp theo của vở diễn “Búp bê” sẽ tiếp tục được công chiếu ngày 28/10 tới đây tại rạp Hồng Hà. Một cơ hội tuyệt vời cho những người yêu nghệ thuật kịch đương đại được thưởng lãm!