Nằm trong khuôn khổ ‘’Festival Áo Dài Quảng Ninh 2022 – Miền Di Sản, Tâm Thân An Tịnh’’ đặc biệt được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm dưới chân núi Yên Tử với hai tiêu điểm là Triển lãm và Biểu diễn Nghệ thuật.
Sự kiện mở màn với Triển lãm về nghề sản xuất tơ tằm và sợi gai truyền thống để cho ra nhiều chất liệu vải đa dạng, sang trọng, mộc mạc, và thấm đẫm cái tình của người Việt. Một quy trình hoàn toàn thủ công được thể hiện qua từng kén tằm, cuộn tơ, thước vải,… bày biện trên chiếc nón lá, con thuyền gỗ hay khung tre bình dị, xen kẽ những bức tranh lụa về lịch sử áo dài qua hàng trăm năm.
Các tác phẩm được trưng bày từ ngày 15/4 đến 10/5/2022 tại khu vực Gương Thiền – điểm dừng chân của mỗi du khách trên con đường hành hương lên núi Yên Tử. Trong không gian tĩnh tại, mỗi người cảm nhận sâu hơn tình cảm và nét đẹp truyền thống đặc sắc riêng có của Việt Nam lưu truyền từ bao đời nay.
Đặc biệt, vào tối ngày 23/4/2022, bên hồ Ngoạn Nguyệt, 15 bộ sưu tập áo dài của các Nhà thiết kế (NTK) nổi tiếng của Việt Nam (Minh Hạnh, Ngọc Hân, Huệ Thi, Cao Minh Tiến, Trung Beret, cố nhà Thiết kế Chula Diego,…) lấy cảm hứng từ câu chuyện về núi Yên Tử được truyền tải qua trình diễn nghệ thuật với khách mời đặc biệt là các Đại sứ, Phu nhân Đại sứ và các thành viên trong gia đình, đại diện UNESCO và WHO tại Việt Nam. Thông qua hình ảnh rừng trúc, mai vàng, mây gió, sương khói, trăng nước, mái chùa tại Yên Tử, mỗi tà áo như một hơi thở của tự tại, gợi lên sự an yên từ sâu bên trong mỗi người.
Theo NTK Minh Hạnh – Tổng Đạo diễn chương trình, tại nơi Yên Tử thiêng liêng này, những giá trị của Di sản phi vật thể và Di sản vật thể sẽ gặp nhau, sự kết hợp của đó sẽ làm cho tất cả giá trị về truyền thống, giá trị về bản sắc có thể tiếp biến được trong thời đại ngày hôm nay.
Chương trình quy tụ hơn 300 diễn viên, nghệ sĩ, người mẫu nổi tiếng, để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả qua từng màn trình diễn Áo dài, vũ đạo, hiệu ứng ánh sáng kết hợp với ca từ đầy chất thiền. Qua đó, vẻ đẹp của áo dài, của Yên Tử, của những di sản văn hóa tinh thần thêm phần sống động trong mỗi người Việt Nam và trong mắt các bạn bè quốc tế. Hiện tại, Áo dài Việt Nam đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại và tỉnh Quảng Ninh cũng đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thiên nhiên và văn hoá của thế giới.
Sau thành công của sự kiện mở màn của chương trình “Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 – Miền Di sản’’ tại Yên Tử, sự kiện tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 29/4/2022 và 1/5/2022 tại bờ biển Vịnh Bái Tử Long với sự tham gia của NTK Áo dài Minh Hạnh cùng nhiều nhà thiết kế và hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước.
GIỚI THIỆU VỀ NÚI YÊN TỬ
Theo sử sách thì Yên Tử vốn là một trong “tứ địa linh” của Việt Nam
Núi càng linh thiêng hơn khi có các đạo sỹ, cao tăng, thánh hiền đến đây tu tập, bồi đắp thêm truyền thống, tinh thần và năng lượng chánh đạo. Từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, có đạo sỹ tên là An Kỳ Sinh lên núi tu tiên, chữa bệnh cứu người. Người xưa tôn kính gọi ông là An Tử và gọi núi là An Tử Sơn, tức núi Yên Tử ngày nay. Thời Lý, có thiền sư Hiện Quang vào sâu trong núi Yên Tử kết cỏ lập am tranh, khai sơn chùa Hoa Yên, khơi nguồn mạch cho dòng thiền Yên Tử, được tiếp nối bởi quốc sư Đạo Viên, quốc sư Đại Đăng, thiền sư Tiêu Dao, thiền sư Huệ Tuệ…cho đến tận ngày nay.
Yên Tử càng trở nên đặc biệt linh thiêng từ thế kỷ 13, khi đức vua anh minh Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu hành, giác ngộ Phật, trở thành vị hoàng đế duy nhất đắc quả vị Phật. Ngài sáng lập và trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm bản sắc Việt. Từ đó, Yên Tử trở thành thánh địa Phật giáo Đại Việt và là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam.
VỀ KHU TĨNH DƯỠNG LEGACY YÊN TỬ – MGALLERY
Là một thành viên của thương hiệu MGallery cao cấp thuộc Accor Hotels, nằm trong Quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm dưới chân núi Yên Tử, Legacy Yên Tử lật mở những trang sách cổ, kể câu chuyện xưa độc đáo, đưa du khách đắm mình trong tinh hoa văn hóa trải dài suốt lịch sử ngàn năm của dân tộc.