Nhắc đến Tây Tạng, người ta thường nhắc về những sa mạc hùng vĩ hay những dãy núi trập trùng, tuy nhiên, có lẽ thật đáng tiếc nếu bạn bỏ qua chùa Rituo – nơi được mệnh danh là “ngôi chùa cô đơn nhất thế giới.”
Chùa Rituo hoàn toàn nằm tách biệt với bên ngoài trong thế giới riêng của mình. Nơi gần nó nhất là thị trấn Gyantse cũng cách đây khoảng 160 km. Có lẽ chính vì vậy, nhiều tờ báo nổi tiếng nước ngoài mới đặt tên cho nơi này là ngôi chùa cô đơn nhất thế giới.
Nằm khép mình trên gò đất nhỏ giữa hồ Yamdrok, nơi đây chỉ có duy nhất một nhà sư sinh sống, tụng kinh, thiền định trong không gian yên bình càng khiến nó trở nên “cô đơn” hơn trong mắt du khách.
Rituo là ngôi đền biệt lập nhất của Tây Tạng, được xây trên một cù lao nhỏ vào năm 1387. Cái tên Rituo còn có nghĩa là “đá trên núi”, cái tên này là hình mẫu của một tảng đá thần mà dân gian truyền miệng rằng có thể chữa bách bệnh trên nhân gian và được bảo tồn hàng trăm năm tại đây.
Với bề dày 700 năm lịch sử và rất ít du khách ghé thăm, nơi đây vẫn giữ được nét ban sơ và có thể coi là viên ngọc quý của Tây Tạng. Một trong những du khách ít ỏi từng được ghé thăm nơi này đã ngạc nhiên khi miêu tả về cuộc sống thanh bình, tĩnh lặng ở nơi đây, mọi thứ trôi qua thật êm đềm, không âu lo, muộn phiền như đang tìm về một vùng trời khép kín của tâm hồn, mỗi ngày đều được ngắm sông trôi, nước chảy cùng những khung cảnh thiên nhiên kỳ thú từ trên đỉnh gò đá giữa hồ là những điều không nơi nào có thể mang lại được.
Từ trên đỉnh của ngôi chùa, phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể thấy từng đàn linh dương Tây Tạng đang thong dong, tự do vũng vẫy giữa thảo nguyên bao la, bát ngát, những chú chim trời hờ hững, khoan khoái bơi giữa mặt hồ tĩnh lặng, đặc biệt khi đêm dần buông, in bóng trên mặt hồ ánh sao lung linh huyền ảo, như đưa ta vào truyện cổ tích ngày xưa.
Tờ The Sun chia sẻ về nơi đây rằng: “Bạn có thể nhìn thấy những con linh dương Tây Tạng lướt qua. Những con ngỗng đang kiếm ăn dưới làn nước hồ tuyệt đẹp. Khi màn đêm buông xuống, bầu trời đầy sao phản chiếu trên mặt hồ”, có lẽ chính bản thân người viết cũng không thể miêu tả được vẻ đẹp của nơi đây, bởi với một vài câu văn, không thể nào gói gọn hết vẻ đẹp của ngôi chùa.
Điều thú vị và độc đáo nhất về ngôi chùa Rituo là qua hàng trăm năm, ngôi chùa cũng chỉ có duy nhất một nhà sư trú ngụ lại, hiện nay là sư thầy Ahwang Pincuo. Tuy nhiên, ông là người ngụ tại đây ít nhất so với hàng trăm các nhà sư đã đơn độc trông coi chùa Rituo qua nhiều thế kỷ. Có lẽ đối với những nhà sư tại đây, thì đức tin cao cả chính là ánh sáng soi đường duy nhất cho họ để vượt qua mọi hỉ nộ ái ố, cảnh giới cao nhất của tu hành – đó là sự cô độc, sống một mình giữa một vùng không gian rộng lớn. Tuy một mình nhưng không hề lẻ loi.
Ngôi chùa cũng chỉ có một con đường duy nhất nối với dất liền, nếu ngôi chùa được mệnh danh là “cô đơn nhất thế giới” thì con đường này cũng vậy, đó là con đường và cuộc sống của những nhà sư khi ở đây, tuy nhiên họ không thấy cô đơn mà còn cảm thấy thanh bình và thiêng liêng đến lạ.
Công việc hàng ngày của nhà sư Ahwang Pincuo là lấy nước, tụng kinh, thiền và chăm lo cho ngôi chùa. Mỗi thế hệ sẽ chỉ có duy nhất một nhà sư trông coi ngôi chùa. Ahwang Pincuo là người mới nhất và ông sẽ chuyển giao lại cho người kế nhiệm vào thời điểm thích hợp.
Với địa hình và đặc điểm địa lý ấn tượng, được đặt tại nơi cao, thoáng đãng, không ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn, đây cũng là địa điểm thu hút các nhà nhiếp ảnh gia thiên văn học đến tham quan, nghiên cứu và chụp những bức ảnh độc đáo.
Thế giới quanh ta có biết bao nhiêu điều kỳ diệu, những vùng đất, con người và thiên nhiên mà ta chưa thể khám phá hết. Nếu có dịp ghé thăm Trung Quốc hay Tây Tạng, ngoài những địa điểm đã quá quen đối với du khách, tại sao chúng ta không thử tìm đến những địa điểm bình yên cứu rỗi tâm hồn, như ngồi chùa “cô đơn” nhưng không hề cô độc này?