Ngày nào chị Nguyễn Thùy Linh cũng ngắm nhìn những sản phẩm thêu tay tại cửa hàng của mình và văng vẳng bên tai vẫn là lời dặn dò của bà ngoại chị: “Hãy cố giữ lấy nghề, con nhé!”…
Năm 1969, bà Bạch Thị Ngải, bà ngoại chị Linh mở cửa hàng thêu “Tân Mỹ” tại số nhà 109 phố Hàng Gai. Tuy chỉ là một cửa hàng nhỏ và nằm trong ngõ nhưng lại là cửa hàng bán đồ thêu tay đầu tiên tại Hà Nội. Như mọi cô gái gốc Hà Thành khác, bà Ngải được gia đình dạy dỗ rất nghiêm khắc về công – dung – ngôn – hạnh, đặc biệt là thêu thùa may vá. Theo truyền thống cưới hỏi của người Việt Nam, cô dâu và chú rể luôn dùng gối thêu chữ lồng hai chữ cái đầu tiên trong tên của họ. Vì vậy, bà Ngải cùng cô Đỗ Thanh Hương, con gái duy nhất trong 7 người con của mình đã nhận thêu những đôi gối đôi chim bồ câu và chữ lồng cho các căp uyên ương dùng trong phòng ngủ của họ.
Bà Ngải luôn dạy con gái rằng trong kinh doanh điều quan trọng nhất chính là chữ Tín, và chữ Tín đối với bà chính là chất lượng sản phẩm. Bà luôn đòi hỏi chất lượng cho mỗi sản phẩm luôn phải là tốt nhất và đẹp nhất, nếu chưa ưng ý, bà sẵn sàng làm đi làm lại cho đến bao giờ thật sự hài lòng. Sau này, khi nền kinh tế phát triển và nhu cầu dùng đồ thêu tay ngày càng nhiều hơn, bà Ngải đã mở rộng thêm các sản phẩm khác như chăn, ga, gối, khăn trải bàn, quần áo ngủ, các loại túi…và về làng thêu Thường Tín tìm những người thợ thêu giỏi để họ cùng bà sản xuất các sản phẩm thêu tay. Dần dần, cả làng thêu gần 500 người đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc cùng gia đình bà. Bà được mọi người trìu mến gọi bằng cái tên “người phụ nữ làm sống lại ngành thêu”!
Con gái bà, cô Đỗ Thanh Hương được mẹ dạy thêu từ nhỏ và từ năm 12 tuổi cô đã bắt đầu phụ giúp mẹ làm các sản phẩm thêu tay. Cô lớn lên cùng nghề thêu và yêu nó vô cùng. Thêu tay là nghệ thuật của sự cầu kỳ, phải kiên trì, tỉ mỉ, nó đòi hỏi người nghệ nhân phải có trí tưởng tượng phong phú và sự cảm nhận tinh tế về cuộc sống rồi đặt hết tâm trí vào từng đường kim mũi chỉ mới có thể truyền tải được hết vẻ đẹp và sự sống động vào trong sản phẩm. Vì vậy, đã có những bức tranh thêu mà khi nhìn từ xa người ta đã nhầm tưởng đó chính là cảnh thật. Có thể nói mỗi người thợ thêu chính là một nghệ sĩ và mỗi sản phẩm thêu chính là một tác phẩm nghệ thuật.
Nhờ có tình yêu và tâm huyết với nghề thêu mà thương hiệu Tân Mỹ từ một cửa hàng nhỏ ở trong ngõ đã ngày càng phát triển và trở thành một show room rộng hơn 1000m2 mang tên Tân Mỹ Design tại 61 Hàng Gai, nằm giữa trung tâm phố cổ Hà Nội. Ngoài các sản phẩm thêu, Tân Mỹ Design còn mở rộng các sản phẩm truyền thống khác như sơn mài, gốm sứ, đồ trang sức, các tác phẩm nghệ thuật, quần áo thời trang… được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Đó chính là lí do mà Tân Mỹ Design được nằm trong danh sách 11 điểm đến không thể bỏ qua tại Hà Nội do tạp chí New York Times bình chọn, được Sở du lịch thành phố Hà Nội chứng nhận Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cũng như có mặt trên nhiều chương trình truyền hình trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Tân Mỹ Design cũng là nơi vinh dự được tiếp đón rất nhiều các nguyên thủ Quốc gia, các nhân vật hoàng gia từ khăp nơi trên thế giới đến thăm quan và mua sắm.
Bà ngoại đã mất được gần 2 năm nhưng chị Nguyễn Thùy Linh luôn cảm thấy như bà vẫn đang ở bên cạnh vì mỗi sản phẩm thêu tại cửa hàng đều gợi nhớ đến hình ảnh của người bà thân yêu. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, từ cái áo sơ sinh chị mặc, chiếc chăn lụa chị đắp đến những chiếc váy áo sau này đều do một tay bà ngoại thuê tặng cháu bằng cả tình yêu và tâm huyết. Nghề thêu đã ngấm vào máu thịt và là cuộc sống của chị. Nối tiếp truyền thống gia đình, chị cũng có một tình yêu mãnh liệt đối với nghề thêu. Giống như bà ngoại và mẹ, tình yêu đó đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn để có thể phát triển Tân Mỹ thành một thương hiệu được khách hàng yêu mến và tin cậy. Chị mong muốn Tân Mỹ Design sẽ là một Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, nơi gặp gỡ của những người yêu cái đẹp của các sản phẩm “Made in Việt Nam”, nơi giao lưu tài hoa và tâm hồn của các nghệ nhân Việt và là điểm đến không thể thiếu của bạn bè quốc tế.
Bé Vũ Minh Anh, cô con gái 7 tuổi của chị Linh cũng rất hứng thú đối với các sản phẩm thêu. Cô bé nói tiếng Anh rất tốt và thích được đến show room của mẹ để gặp gỡ, nói chuyện với các vị khách nước ngoài đến đây mua sắm. Thậm chí em còn giúp được mẹ bán hàng. Chị Linh hy vọng Minh Anh cũng yêu nghề thêu và sẽ kế thừa truyền thống gia đình. “Hãy cố giữ lấy nghề, con nhé”! – Chị Linh nhớ mãi câu nói mà bà ngoại chị đã nói với mẹ chị, rồi mẹ chị đã nói với chị, và có một điều chắc chắn sau này chị cũng sẽ nói câu nói “gia truyền” ấy với con gái của mình.