Nằm ở ngoại thành Hà Nội, làng Chử Xá, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) mới đây được tô điểm với 15 bức bích họa sinh động, tạo nên khung cảnh đặc biệt của vùng quê Bắc Bộ, hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch trong tương lai gần.
Cách trung tâm Hà Nội gần 20 km, Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là một ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời. Làng có tên Nôm là làng Sứa, nằm trên một bãi bồi lớn ven sông Hồng. Từ thời Trần, khu vực này là trung tâm thương nghiệp lớn. Ngày nay, Chử Xá nổi tiếng là vùng trồng rau an toàn và cây cảnh lớn của Hà Nội.
Cách đây 7 tháng, tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng (Arts Build Communities – ABC) đã khởi xướng ý tưởng biến nơi đây thành ngôi làng bích họa đầu tiên của Hà Nội. Các bức vẽ đều được tổ chức này kêu gọi tài trợ, miễn phí. Nhóm hoạ sĩ trẻ gồm 7 sinh viên, đến từ một số trường đại học ở Hà Nội đã tình nguyện trang trí Chử Xá thành làng bích họa.
Lấy cảm hứng về một làng quê yên bình, đồng thời gắn với sản phẩm kinh tế chính của ngôi làng là các loại nông sản sạch, toàn bộ những bức vẽ đều tái hiện những hình ảnh quen thuộc từ chính đời sống của người nông dân.
Các mẫu thiết kế đều được được xin ý kiến cộng đồng dân cư và chính quyền trước khi chuyển cho các họa sĩ đưa vào triển khai thực tế. Những bức tranh thuộc dự án là độc bản. Một số bức tranh được thiết kế dựa trên đặc điểm của các bức tường và những nếp gấp khúc tự nhiên có sẵn để mang lại cảm xúc chân thực và hiệu ứng hình ảnh cho người quan sát.
Để hoàn thành một bức bích họa, các hoạ sĩ mất khoảng 3 đến 4 ngày, phụ thuộc vào thời tiết cũng như độ lớn của bức bích họa.
Từ sạp hàng đến luống rau, quả bí,… đều xuất hiện đầy màu sắc và tươi tắn trên tường nhà dân. Dự án hi vọng sẽ giúp các cộng đồng dân cư, đặc biệt thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về văn hóa nông nghiệp, về giá trị kiến trúc cảnh quan của địa phương đồng thời có cách ứng xử, trân trọng tương ứng.
Người dân địa phương cho hay họ rất ủng hộ việc vẽ tranh lên tường nhà bởi làng đẹp hơn và hy vọng thu hút nhiều khách tham quan.
Những bích hoạ không chỉ đẹp mà còn có nội dung gần gũi, thân thuộc với người dân làng. Các bức họa mới sẽ tiếp tục được các họa sĩ sinh viên thực hiện trong thời gian tới.