Sạp hóa của chàng Sen chủ yếu chỉ là các sản phẩm như ống hút tre, gỗ, cỏ bàng, bánh xà phòng tự nhiên, hay những hộp đựng thức ăn bằng bã mía. Nhưng khách đã đến đây thì sẽ quay trở lại để duy trì nếp sống xanh mà anh chủ hàng truyền cảm hứng…
By Giang Lê
Khi cuốn sách về nông nghiệp thuận tự nhiên “Cuộc cách mạng của một cọng rơm” ra đời năm 1975, người nông dân Nhật Bản Masanobu Fukuoka không ngờ ông đã khơi dậy khao khát của bao con người về một lối sống giản đơn. Như nhiều bạn trẻ sống trong không gian thành phố ngột ngạt, tôi cũng ước ao mỗi sáng được thức dậy ở một khu vườn xanh mát, được mang vào căn bếp nhỏ những cuộng rau không hoá chất do chính bản thân mình trồng, và hẳn nhiên là không phải sử dụng những chiếc túi nilon hay đồ nhựa đang huỷ hoại biển… Và tôi gặp Đặng Ân – chủ sạp hàng chàng Sen, một bạn trẻ 9x thực hành lối sống xanh ngược dòng với một thành phố đang ngày một bận rộn.
Sạp hàng cho người sống chậm
Lần đầu tôi gặp chàng Sen – Đặng Ân khi anh đang đạp xe giao hàng cho khách. Lúc gặp tôi, Ân mặc chiếc áo dạng vải thổ cẩm mà do bạn anh may tặng, bù lại Ân trao đổi với bạn bằng những chai rượu nếp cái hoa vàng do chính tay mình làm. Đó là cách thức trao đổi giản đơn nguyên sơ nhất mà con người từng có, giờ đây cộng đồng những bạn trẻ đang làm nông nghiệp sạch ở Việt Nam đang thực hiện.
Ở sạp hoá chàng Sen, không có quá nhiều sản phẩm như một siêu thị xanh, nó đơn giản chỉ tập trung vào ống hút thân thiện như cỏ bàng, tre, gỗ… những chiếc hộp đựng thức ăn bằng bã mía, bàn chải đánh răng từ gỗ thay cho nhựa, những chiếc chiếu cỏ bàng hay mây tre, rồi vô thiên lủng những túi đi chợ vải thay cho nylon do chính Ân thiết kế, những chiếc khẩu trang nhiều lớp chống bụi mịn… Và rất nhiều thứ nhỏ nhặt như bánh xà phòng tự nhiên. Khách hàng không đến nhiều nhưng một khi đã đến thì họ sẽ quay lại để duy trì nếp sống xanh mà chính anh chủ hàng truyền cảm hứng. Khách hàng chính của Ân là những cửa hàng thực phẩm, các quán café nơi mà Ân nghĩ sẽ có tác động lớn đến cộng đồng.
Cái tên sạp hàng
Sạp hàng ngoài chợ là thứ quen thuộc với người Việt từ bao đời nay trước khi có siêu thị. Sản phẩm sạp hàng đa số là do người nông dân tự sản xuất. Chợ truyền thống là nơi ta bắt gặp những sạp hàng này, và giờ vẫn còn phổ biến trên vùng cao nhưng lại hạn chế ở thành phố. Cái tên sạp hàng của Ân ra đời là vậy, đưa văn hoá chợ truyền thống của người Việt trở lại.
Mùa nào thức nấy
Tôi hỏi Ân về cách sống xanh hay zero waste mà giới trẻ đang theo đuổi hiện tại, chàng chủ của sạp hàng không dám nhận gọi mình là một người theo trào lưu đó. Anh chỉ đơn giản nhận mình sống thuận theo tự nhiên và chính ra là kinh nghiệm dân gian. Người Việt mình từ xưa đã sống rất gần gũi với môi trường, những điều mà dường như thế giới đang dần quay trở lại. Nói không đâu xa từ bữa ăn như lồng bàn tre, đũa mộc, thịt gà nhà nuôi, củ quả tự trồng hay được người ở quê cho; đồ gội đầu hay vệ sinh cũng từ bồ kết, chanh, sả; hay tận dụng xơ mướp để rửa bát…; nước gạo thì để tưới cây.
Và đặc biệt là mùa nào thức nấy, Ân kể với tôi về vị của những món củ quả theo mùa, một khi bạn cảm nhận được hương vị tươi ngon, thanh sạch của chúng thì bạn sẽ không bao giờ quên được. Điều đáng buồn là trong thời đại ngày nay, rau củ quả lúc nào cũng có sẵn, công nghệ mang đến cho con người quá nhiều sự lựa chọn nhưng lại mất đi những kỹ năng cảm nhận hương vị bản năng của tự nhiên. Sống xanh hay sống zero waste suy cho cùng là cách sống thuận theo tự nhiên; và là sự lựa chọn đơn giản hàng ngày khi từ chối một chiếc túi nylon ở siêu thị hay chọn đi bộ, xe đạp thay cho xe máy…